Những hệ lụy Đêm của những con dao dài

Một phiên tòa ở München tháng 5/1957 là cơ hội đầu tiên để nhân chứng và người can dự vào cuộc thanh trừng cung khai trước công chúng. Sepp Dietrich là người chỉ huy cận vệ SS của Himmler vào năm 1934 và chỉ đạo cuộc hành quyết trong nhà tù Stadelheim. Mang quân hàm thượng tướng SS trong chiến tranh, ông bị án 25 năm tù vì can dự vào việc sát hại tù binh Mỹ. Sau 10 năm, ông được trả tự do, rồi bị mang ra xử ở München năm 1957 và lãnh án 18 tháng tù vì can dự vào cuộc hành quyết ngày 30/6/1934. Sĩ quan SS Michael Lippert bị kết án đã trực tiếp giết Röhm.

Không bao giờ người ta biết chính xác bao nhiêu người bị sát hại. Trong bài diễn văn đọc trước Nghị viện ngày 13/7, Hitler thông báo có 61 người bị bắn, kể cả 19 “lãnh đạo SA cấp cao,” thêm 13 người chết vì “chống lại lệnh bắt giữ: và 3 người “tự tử” – tổng cộng 77 người. Di dân ở Paris xuất bản một quyển sách cho biết có 401 người bị giết, nhưng chỉ có thể kể tên 116 người. Trong phiên tòa năm 1957, con số được đưa ra là “hơn 1000.”

Có mưu đồ gì chống lại Hitler không? Chỉ có lời tố cáo của ông trong những bản thông cáo và diễn văn đọc trước Nghị viện ngày 13/7. Ông không bao giờ trình bất kỳ bằng chứng nào. Röhm đã công khai tỏ lộ tham vọng được thấy SA làm nòng cốt của quân đội mới do ông chỉ huy. Chắc chắn ông có tiếp xúc Schleicher về ý đồ này khi Schleicher là Thủ tướng. Có lẽ, như Hitler nói, Gregor Strasser cũng có can dự. Nhưng những việc thảo luận như thế không phải là phản bội. Chính Hitler cũng đã tiếp xúc với Strasser và đề nghị cử ông này làm Bộ trưởng Kinh tế.

Lúc đầu Hitler tố cáo Röhm và Schleicher tìm kiếm sự hỗ trợ của một “cường quốc nước ngoài” – ý nói Pháp – nhưng không đưa ra chứng cứ. Sau đấy, Hitler vẫn lặp lại lời cáo buộc trước Nghị viện và nói một cách châm biếm về một “nhà ngoại giao nước ngoài,” rõ ràng chỉ đại sứ Pháp Francois-Poncet.

Khi Francois-Poncet cực lực phản đối về việc mình bị nói bóng gió đã tham dự vào “âm mưu” của Röhm, Bộ Ngoại giao Đức chính thức thông báo với Chính phủ Pháp rằng những lời cáo giác là hoàn toàn vô căn cứ, và chính phủ Quốc xã hy vọng vị đại sứ sẽ ở lại trong nhiệm vụ của ông. Thật thế: Francois-Poncet tiếp tục có quan hệ cá nhân mật thiết hơn bất kỳ đại sứ nào khác từ một quốc gia dân chủ.

Bản thông cáo đầu tiên và diễn văn của Hitler ở Nghị viện nhắc nhiều đến lối sống sa đọa của Röhm và những nhân viên SA khác đã bị giết. Tùy viên báo chí Otto Dietrich đưa ra những chi tiết về lối sống này. Trong bài phát biểu với các lãnh đạo SA còn lại ngày 30/6, Hitler tuyên bố những người bị xử tử là đáng chết vì lối sống vô đạo đức của họ.

Nhưng ngay từ những ngày đầu của Quốc xã, Hitler đã biết rõ các phụ tá thân cận của ông bị lệch lạc về giới tính hoặc là những kẻ giết người có tiền án. Lúc ấy, không những Hitler làm ngơ, mà còn biện hộ cho họ. Hơn một lần, ông đã cảnh cáo các đồng chí là không nên quá câu nệ về đạo đức cá nhân của một người nếu người ấy là chiến binh cuồng tín cho phong trào. Bây giờ, ông lại thú nhận mình bị sốc vì những phụ tá gần gũi nhất đã thoái hóa đạo đức.

Chắc chắn là Quân đội hài lòng với việc kình địch SA của họ bị tiêu diệt. Nhưng còn ý thức về danh dự của họ thì sao? Giới chỉ huy Quân đội không những đã nhắm mắt làm ngơ mà còn công khai ca ngợi một chính phủ đã thực hiện cuộc tàn sát chưa hề có tiền lệ trong lịch sử nước Đức, trong đó hai vị tướng hàng đầu bị giết một cách dã man: von Schleicher và von Bredow.

Chỉ có hai người lên tiếng phản đối việc sát hại hai tướng lĩnh và cáo buộc về vụ phản loạn: vị Thống chế von Mackensen 85 tuổi và Đại tướng cựu Tư lệnh Lục quân von Hammerstein. Hai người tiếp tục nỗ lực nhằm minh oan cho Schleicher và Bredow. Họ đã thành công. Trong một buổi họp kín của các nhà lãnh đạo đảng và quân sự ngày 3/1/1935, Hitler nhìn nhận việc sát hại hai vị tướng là “sai lầm” và tuyên bố trả lại danh dự cho hai người. Việc “phục hồi” không bao giờ được công bố ở Đức, nhưng được giới chỉ huy Quân đội chấp nhận như thế. Thái độ của giới chỉ huy không những là vết nhơ trên danh dự của Quân đội, mà còn là biểu hiệu của óc thiển cận đến khó tin.

Hitler tuyên bố trước Nghị viện ngày 13/7/1934:

Nếu có ai trách tôi và hỏi tại sao tôi không vận dụng tòa án tư pháp, thì tôi chỉ có thể trả lời: “Trong thời khắc này tôi có trách nhiệm đối với vận mệnh của dân tộc Đức, và qua đó tôi trở thành chánh án tối cao của dân tộc Đức.”

Hơn nữa, giới chỉ huy Quân đội chỉ tự lừa dối khi nghĩ rằng họ đã thoát khỏi sự đe dọa của phong trào Quốc xã đối với những đặc quyền truyền thống của họ. Bởi vì, thay cho SA là SS. Ngày 26/7/1934, để tưởng thưởng công lao của họ, lực lượng SS được tách ra độc lập với SA, dưới quyền chỉ huy của Himmler, người chỉ báo cáo với Hitler. Chẳng bao lâu, với kỷ luật và lòng trung thành hơn SA, lực lượng SS trở nên hùng mạnh hơn hẳn SA.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đêm của những con dao dài //www.amazon.com/dp/B0007DRFHQ http://www.historyplace.com/worldwar2/triumph/tr-r... http://www.worldmediarights.com/ http://www.worldmediarights.com/index.php?hidActio... http://www.dhm.de/lemo/html/nazi/innenpolitik/roeh... http://www.tatsachen-ueber-deutschland.de/en/histo... http://catalogo.bne.es/uhtbin/authoritybrowse.cgi?... http://catalogue.bnf.fr/ark:/12148/cb11969961z http://data.bnf.fr/ark:/12148/cb11969961z http://www.idref.fr/027716678